Cách chuẩn bị cho câu hỏi phỏng vấn tình huống
Ngày nay, chuẩn bị phỏng vấn theo kiểu truyền thống thôi là chưa đủ bởi ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn hình thức phỏng vấn hành vi để sàng lọc ứng viên. Theo đó, họ sẽ đặt ra các câu hỏi tình huống thay vì câu hỏi lý thuyết thông thường. Vậy làm thế nào để chuẩn bị cho câu hỏi phỏng vấn tình huống và chinh phục nhà tuyển dụng với những câu hỏi này.
Câu hỏi tình huống là gì? Đó là câu hỏi về các tình huống trong công việc khác nhau mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra trong suốt quá trình phỏng vấn để thử thách các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Loại câu hỏi này sẽ giúp người phỏng vấn có được cái nhìn sâu sắc hơn về những suy nghĩ và việc làm của ứng viên trong từng trường hợp cụ thể. Và để thuyết phục nhà tuyển dụng với những câu hỏi phỏng vấn này, bạn có thể áp dụng những quy tắc sau đây:
1.Thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân dựa trên những câu chuyện cụ thể
Với nhiều câu hỏi, bạn sẽ phải tường thuật lại một tình huống, sự kiện cụ thể để chứng minh cho những kinh nghiệm của mình. Trước khi đến phỏng vấn, hãy tự mình liệt kê những tình huống cụ thể và chọn ra một tình huống mà ở đó bạn đã có những quyết định sáng suốt nhất.
Ví dụ, nhà tuyển dụng hỏi bạn “Bạn đã khi nào xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp hay chưa? Bạn làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn đó?” thì bạn có thể lấy một ví dụ thực tế về những bất đồng trong công việc. Cách bạn giải quyết vấn đề là cùng ngồi lại với nhau và bàn bạc để đưa ra một giải pháp chung.
Câu chuyện của bạn chỉ nên kéo dài trong 1 – 2 phút và bạn phải luôn giữ một thái độ tích cực khi nói về điều này. Đừng nên đổ lỗi cho người đồng nghiệp kia mà ngược lại nên nhấn mạnh bài học mà bạn đã học được sau tình huống đó.
2.Chuẩn bị cho nhiều tình huống khác nhau
Để có thể dễ dàng được nhà tuyển dụng mời phỏng vấn thì bạn cần chuẩn bị CV xin việc kỹ lưỡng. Một số mẫu CV đẹp, ấn tượng sẽ giúp bạn chinh phục được nhà tuyển dụng “khó tính” để có cơ hội được trả lời phỏng vấn vị trí ứng tuyển.
Nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết về những kinh nghiệm của bạn mà còn muốn biết với những kinh nghiệm này thì bạn sẽ làm việc như thế nào trong tương lai. Vì thế mà họ sẽ liên tiếp đưa ra các câu hỏi tình huống khác nhau để buộc bạn phải thể hiện mình.
Với một câu hỏi cụ thể như “Bạn đã đặt mục tiêu và hoàn thành nó như thế nào? Hãy lấy ví dụ cụ thể” thì bạn có thể kể về một mục tiêu mà bạn đã đặt ra cho mình ở công ty cũ và những việc mà bạn đã làm để hiện thực hóa mục tiêu đó. Bạn có hoàn thành đúng thời gian cho phép hay không? Có học được kỹ năng gì mới hay không? Hãy luôn đưa ra trong câu trả lời của mình những con số cụ thể.
Ngoài ra, bạn còn có thể phải đối mặt với những câu hỏi tình huống phổ biến khác như:
• Hãy kể về một tình huống mà bạn đã buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình.
• Bạn đã bao giờ thuyết phục cấp trên thay đổi ý kiến về một điều gì đó hay chưa?
• Bạn đã học được gì với công việc trước đây?
• Với sếp khó tính thì bạn sẽ làm gì?
• Thành tích tốt nhất của bạn trong công việc là gì? Bạn đã làm gì để đạt được thành tích đó?
3.Tư duy nhanh và đưa ra quyết định sáng suốt
Dù có chuẩn bị kỹ tới đâu thì bạn cũng sẽ không thể bao quát tất cả những câu hỏi tình huống mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra. Đó có thể là những kịch bản mà bạn chưa từng nghĩ tới hoặc chưa có bất cứ kinh nghiệm nào cả. Trong trường hợp như vậy, không có cách nào khác là bạn phải suy nghĩ thật nhanh và đưa ra cho mình một giả thuyết thật thuyết phục từ vấn đề, giải pháp cho tới bài học mà bạn đã tích lũy được.
4.Tìm kiếm lời khuyên của người có kinh nghiệm
Bạn không nên học thuộc lòng câu trả lời cho các câu hỏi bởi không thể dự đoán nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những tình huống như thế nào. Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho mình các mẹo trả lời, các chiến lược tiếp cận với các chủ đề mà nhà tuyển dụng đưa ra cũng như học cách để tạo ra các chi tiết chuyện hấp dẫn. Bạn có thể luyện tập trả lời những câu hỏi này, ghi âm lại hoặc là nhờ một người bạn, người thân trong gia đình nghe và đánh giá giúp.
Một mẹo nhỏ để trả lời các câu hỏi tình huống là theo phương pháp STAR. Điều đó có nghĩa là mỗi ví dụ mà bạn đưa ra đều phải có đủ 4 yếu tố:
• S (situation): cốt truyện
• T (task): vai trò của bạn trong câu chuyện đó
• A (action): những việc mà bạn đã làm
• R (result): kết quả thu lại được từ những việc làm trên.
Các câu hỏi tình huống trong phỏng vấn không hề khó như mọi người vẫn thường nghĩ. Ngược lại, khi đã chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng và những mẹo trả lời như được giới thiệu trên đây, bạn có thể dễ dàng biến những câu hỏi này thành cơ hội để chứng tỏ bản thân.
Bạn có thể tham khảo cách trả lời câu hỏi phỏng vấn việc làm theo ngành nghề cụ thể, tư vấn việc làm hữu ích tại Blog việc làm GoodCV để ứng dụng cho buổi phỏng vấn, tìm việc đạt kết quả cao.
Thông báo
Nội dung thông báo…